BLOG

Có chatbot chỉ tốn trung bình 10 giây cho mỗi câu hỏi ở đề thi toán tốt nghiệp THPT năm 2025. Kết quả cho ra khá ấn tượng, nhưng không thể hiện rõ quá trình suy luận của AI.

Chiều 26/6, các thí sinh hoàn thành bài thi môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, với thời gian làm bài 90 phút. Đây là đề thi đầu tiên sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo áp dụng hình thức mới, được cho là khó hơn so với những năm trước.

Trong khi đề toán năm nay có thể làm khó thí sinh vì dài, tốn thời gian, các chatbot AI không mất nhiều thời gian để xử lý. Để thử nghiệm độ hiệu quả của AI, Tri Thức - Znews sử dụng 4 chatbot bao gồm ChatGPT, Google Gemini, Claude AI và Grok AI để giải một số câu hỏi tự luận của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Xử lý nhanh, kết quả "hên xui"

Các chatbot được sử dụng để trả lời phần câu hỏi ngắn của mã đề 0109. Trong đó, ChatGPT và Gemini cho ra kết quả đúng nhất với độ trễ ít. Cả 2 chatbot đều trả lời được 6 câu hỏi với thời gian từ 7-15 giây cho mỗi câu. Tuy nhiên, Gemini đã có thể giải được các bài toán trên với mô hình 2.5 Flash (không suy luận), giúp xử lý nhanh toàn diện.

Trong khi đó, Claude hoàn toàn thất bại ở khả năng tính toán, cho ra toàn bộ kết quả không đúng. Mặc dù được yêu cầu tính lại, chatbot của Anthropic vẫn đưa ra đáp án cũ. Grok trả lời đúng khoảng một nửa số câu hỏi, nhưng với thời gian phản hồi lâu (hơn 2 phút cho một câu).

Đối với ChatGPT và Grok, để giải được các câu hỏi này cần dùng đến phiên bản suy luận, sẽ tiêu tốn thời gian nhiều hơn. Gemini vừa xử lý với tốc độ rất nhanh, có thể chỉ 5 giây với câu nhanh nhất, vừa chỉ sử dụng mô hình 2.5 Flash.

Xét về tốc độ, Gemini có thời gian xử lý nhanh nhất, trung bình một bài chưa đến 10 giây, nhưng có lời giải phức tạp, rườm rà và khó theo sát hơn. Tiếp đến là mô hình suy luận của ChatGPT có trung bình thời gian xử lý là 25 giây. Trong khi đó, dù vẫn ra kết quả đúng, Grok mất rất nhiều thời gian suy luận, với 148 giây cho một câu hỏi độ khó tương đối.

Dù được hỏi bằng tiếng Việt, cả 3 mô hình đều thể hiện quá trình suy luận của mình bằng tiếng Anh. ChatGPT có phần mô tả ngắn gọn nhất, với nhiều hình ảnh minh hoạ, đồ thị, đoạn phân tích dễ hiểu. Gemini cũng làm rõ ra, trình bày theo thứ tự suy nghĩ của mô hình.

Riêng Grok có quá trình suy nghĩ giống con người nhất. Mô hình liên tục dùng những từ “tuy nhiên, khoan đã, ngược lại” để tự hỏi lại chính mình giống như cách một học sinh sẽ giải bài toán. Điều này có thể khiến chatbot tự làm quá lên vấn đề và chậm thời gian đưa ra kết quả

Dữ liệu đang góp phần định hình việc vận hành của các tòa soạn hiện đại, nhất là ở những cơ quan báo chí lớn.

Tại hội thảo chuyên đề về dữ liệu tổ chức chiều 20/6, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí toàn quốc 2025, các cơ quan báo chí tại Việt Nam nhìn nhận dữ liệu đang trở thành yếu tố trung tâm trong hoạt động sản xuất, phân phối nội dung, tìm kiếm nguồn thu mới, trong bối cảnh doanh thu quảng cáo truyền thống liên tục giảm sâu.

Ông Phạm Anh Chiến, Phó giám đốc Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số (VTV Digital), cho biết doanh thu quảng cáo truyền thống của VTV giảm khoảng 10% mỗi năm trong 5 năm gần đây. Một số đài truyền hình địa phương mất 30-50% doanh thu từ quảng cáo, dẫn đến không còn đủ nguồn lực duy trì hoạt động. Thực tế này buộc các đơn vị truyền thông phải mở rộng dư địa kiếm tiền từ dữ liệu người dùng thay vì chỉ dựa vào quảng cáo nội dung truyền hình như trước.

Trong bối cảnh đó, dữ liệu được xác định là một loại tài sản mới. Theo ông Chiến, trước đây, truyền hình chỉ quản lý kho nội dung, nhưng nay có thêm kho dữ liệu người dùng - yếu tố mở ra dư địa cho các sản phẩm số và dịch vụ thương mại điện tử. Trung tâm Sản xuất và phát triển nội dung số đang biến VTVGo từ một nền tảng xem truyền hình thành siêu ứng dụng với các dịch vụ cá nhân hóa dựa trên thói quen và hành vi người dùng.

"Chúng tôi đang ở những bước đầu. Nhưng nếu không làm ngay bây giờ, sẽ không thể cạnh tranh được với các nền tảng xuyên biên giới", ông Chiến nói.

Trong khi đó, là báo điện tử hàng đầu tại Việt Nam, VnExpress sử dụng dữ liệu để điều phối nội dung từ những ngày đầu thành lập. "Chúng tôi gặp phải nhiều câu hỏi mà những công cụ phổ biến như Google Analytics không trả lời được: Tại sao pageview tăng/giảm? Độc giả là ai? Họ đến và đi vì điều gì? Làm thế nào kéo họ quay lại và tương tác?", bà Nguyễn Thu Hương, Phó tổng biên tập VnExpress, chia sẻ.

Để làm chủ dữ liệu mà không phải phụ thuộc vào bên thứ ba, báo xây dựng ba hệ thống: phân tích nội dung VnExpress Analytics, dữ liệu độc giả Audience Data Platform, và dữ liệu quảng cáo. Từ đó tòa soạn có thể phân loại độc giả theo tần suất truy cập, mức độ tương tác (cuộn trang, tỷ lệ thoát), hành vi theo thiết bị, địa lý và nguồn truy cập. Hệ thống cũng đo được hiệu quả quảng cáo ở từng vị trí hiển thị.

Theo bà Hương, báo tự xây hệ thống dữ liệu do chi phí thuê ngoài quá lớn, ước tính 50.000-100.000 USD/năm, đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo mật, tính linh hoạt, tùy biến theo nhu cầu vận hành thực tế của tòa soạn.

Về mục đích sử dụng dữ liệu, VnExpress theo đuổi việc phục vụ cá nhân hóa theo từng độc giả, với mong muốn đem lại trải nghiệm tốt hơn, giúp họ dễ dàng tiếp cận nội dung yêu thích, vào đúng thời điểm với ít nỗ lực nhất, từ đó gắn bó và trung thành với sản phẩm.

"Mong muốn của chúng tôi là với 45 triệu độc giả, chúng tôi sẽ có 45 triệu phiên bản báo, đi cùng là những phiên bản quảng cáo khác nhau trên cơ sở phân loại từng tệp độc giả", Phó tổng biên tập VnExpress nói

Sau nhiều năm thử nghiệm, báo đúc rút được rằng dữ liệu là nền tảng, không phải đũa thần. Sử dụng hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện liên tục, kiên trì, chấp nhận sai và sửa. Dữ liệu có thể giúp trả lời câu hỏi, cũng có thể hỗ trợ ra quyết định, nhưng không nên chỉ dựa trên dữ liệu mà nên dùng để tham khảo.

Theo bà Nguyễn Thu Hương, việc tự xây hay mua các hệ thống tổ chức vận hành dữ liệu tùy thuộc vào khả năng công nghệ tại mỗi tòa soạn. Tuy nhiên, cần hỗ trợ nhân sự phân tích dữ liệu để họ hiểu báo chí, bối cảnh, từ đó đưa ra khuyến nghị có ích.

"Các chỉ số cần được theo dõi và báo cáo định kỳ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Đây là giải pháp để tòa soạn biết rõ ‘sức khỏe’ của sản phẩm. Nếu có thể, sử dụng nhiều hơn một hệ thống ghi nhận dữ liệu", bà chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình xây dựng bộ phận dữ liệu tại VnExpress.

Các chuyên gia cảnh báo các thuật toán mã hóa có thể trở nên vô dụng trước khả năng xử lý vượt trội của máy tính lượng tử.

Tại hội thảo quốc tế về dịch vụ tin cậy trong kỷ nguyên lượng tử, do Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 19/6, các diễn giả trong và ngoài nước cùng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của công nghệ máy tính lượng tử đối với hệ thống bảo mật số hiện hành.

Theo ông Lai Seow Yong, Giám đốc Kỹ thuật khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng bảo mật Utimaco (Đức), máy tính lượng tử đang đặt ra mối đe dọa chưa từng có cho hạ tầng bảo mật toàn cầu.

Máy tính lượng tử sử dụng nguyên lý của cơ học lượng tử để xử lý và lưu trữ thông tin. Khác với máy tính truyền thống dùng bit nhị phân (0 hoặc 1), máy tính lượng tử sử dụng qubit - đơn vị thông tin đồng thời tồn tại ở cả trạng thái 0 và 1. Nhờ vậy, hệ thống có thể thực hiện cùng lúc nhiều phép tính và giải quyết những bài toán phức tạp mà máy tính cổ điển cần nhiều năm xử lý.

Chuyên gia Lai Seow Yong cho biết các thuật toán mã hóa đang bảo vệ hàng tỷ giao dịch trên toàn cầu có thể trở nên vô dụng trước khả năng xử lý vượt trội của máy tính lượng tử. "Những gì được mã hóa hôm nay có thể bị máy tính lượng tử giải mã sau vài năm nữa", ông nói.

Ông cũng cảnh báo xu hướng "lưu trữ bây giờ, giải mã mai sau" đang gia tăng, khi các hacker đánh cắp và lưu dữ liệu mã hóa để chờ đến khi máy tính lượng tử đủ mạnh mới phá vỡ lớp bảo mật hiện tại.

"Các chữ ký số, hợp đồng điện tử, giao dịch tài chính... đều có nguy cơ bị tổn hại nghiêm trọng nếu không chuẩn bị sớm", ông nói. Trong bối cảnh đó, ông Lai dự đoán thị trường bảo mật lượng tử sẽ có quy mô 10 tỷ USD vào năm 2030.

Giám đốc Trung tâm NEAC, bà Tô Thị Thu Hương nhìn nhận: "Chữ ký số là mắt xích cốt lõi của hạ tầng tin cậy. Tuy nhiên, thời đại lượng tử đặt ra một bước ngoặt lớn, thách thức cấu trúc bảo mật truyền thống. Nếu không có hành động kịp thời, những gì được coi là an toàn bây giờ có thể không còn giá trị pháp lý trong tương lai".

Trước thách thức đó, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia đang phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước để nghiên cứu, chuẩn hóa và triển khai các thuật toán mật mã hậu lượng tử (PQC – Post Quantum Cryptography), tuân theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế. Mục tiêu là tạo ra các thuật toán đảm bảo an toàn ngay cả khi bị tấn công bởi máy tính lượng tử.

Báo cáo Quantum Index Report 2025 của Viện công nghệ Massachusetts (MIT) nhận định công nghệ lượng tử đã vượt giai đoạn lý thuyết, bắt đầu sẵn sàng cho thương mại và ứng dụng thực tế. Trong khi đó, Viện nghiên cứu SRI (Mỹ) dự báo, tốc độ tăng trưởng hằng năm của ngành này đạt 27% những năm tới.

Top công nghiệp 4.0 Việt Nam 2025 vinh danh 125 doanh nghiệp có đóng góp nổi bật trong ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo và xây dựng mô hình sản xuất thông minh.

Tối 22/6, chương trình Industrie 4.0 Awards lần thứ tư, năm 2025 diễn ra với sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam cùng các đơn vị triển khai.

TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết năm 2025, chương trình nhận được 350 hồ sơ từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua hai vòng xét chọn, Hội đồng chuyên môn đã lựa chọn 125 hồ sơ tiêu biểu để vinh danh ở bốn hạng mục.

Hội đồng giám khảo đã chọn ra 10 doanh nghiệp công nghiệp 4.0; 22 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; 68 doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và giải pháp công nghệ tốt; 25 nhà lãnh đạo tiêu biểu, tiên phong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đáp ứng xuất sắc các tiêu chí chương trình để vinh danh.

Các doanh nghiệp được vinh danh không chỉ có năng lực công nghệ nổi bật, mà còn thể hiện được tầm nhìn chiến lược và khả năng kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Đây là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ.

Người dùng Internet trẻ tuổi đang có xu hướng chuyển sang các chatbot AI tạo sinh như ChatGPT để theo dõi tin tức hàng ngày.

Báo cáo thường niên của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), công bố ngày 17/6, lần đầu cho thấy số lượng người dùng chatbot cập nhật tin tức rất lớn.

Cuộc thăm dò được RISJ phối hợp thực hiện cùng Đại học Oxford với quy mô 97.000 người tại 48 quốc gia. Trong đó, 7% người tham gia cho biết họ sử dụng AI để tìm tin tức. Tỷ lệ này cao hơn ở giới trẻ, với 12% người dưới 35 tuổi và 15% người dưới 25 tuổi. Họ đánh giá tin tức được chatbot cung cấp phù hợp và có sự cá nhân hóa.

ChatGPT của OpenAI được sử dụng phổ biến nhất, tiếp đến là Gemini của Google và Llama của Meta. Hoạt động thường xuyên nhất là dùng AI để tóm tắt (27%), dịch (24%) hoặc đề xuất (21%) các bài báo và gần 20% đặt câu hỏi về những sự kiện đang diễn ra.

Tuy nhiên, nhiều người tham gia khảo sát cũng cho biết họ không tin tưởng hoàn toàn những gì AI cung cấp, do chatbot có nguy cơ khiến tin tức kém minh bạch, kém chính xác và ít đáng tin cậy.

Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ từ web và một số nguồn khác, bao gồm cả tin tức dưới dạng văn bản hoặc video. Sau quá trình huấn luyện, chúng phản hồi truy vấn của người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên. Tuy nhiên, chúng gặp một số vấn đề "ảo giác", tức có thể đưa ra thông tin phù hợp với các mẫu có trong dữ liệu huấn luyện, nhưng không đúng sự thật.

Không chỉ tin tức, AI cũng đang làm giảm truy cập trực tiếp vào các website. Theo Similarweb, tìm kiếm bằng AI đang thay thế 10% lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm truyền thống. ChatGPT, Perplexity và Gemini hiện được nhiều người sử dụng thay cho Google Search, trên cả thiết bị di động và máy tính để bàn.

Bản thân Google cũng triển khai tính năng tổng hợp nội dung bằng AI thông qua công cụ Overview xuất hiện ở đầu trang kết quả. Thay vì hiển thị ngay một loạt đường link dẫn đến trang web chứa từ khóa của người dùng, AI Overview cung cấp bản tóm tắt nhanh, từ đó giảm lượt click vào các website.

Các mạng lưới tội phạm tinh vi dùng AI để tạo hàng nghìn sinh viên ảo, chiếm chỗ của người thật để lấy đi hàng triệu USD hỗ trợ tài chính.

Jordan Burris, Phó chủ tịch tại Socure, công ty ứng dụng AI để xác minh và chống lừa đảo, cho biết quy mô của nạn sinh viên "ma" lớn đến đáng kinh ngạc. Trong cơ sở khách hàng của Socure, có 20-60% sinh viên ứng tuyển là ảo. Chúng được các nhóm lừa đảo dùng AI tạo ra với quy mô lớn, sau đó đăng ký suất học và nộp hồ sơ xin hỗ trợ tài chính.

Theo Mike McCandless, Phó chủ tịch dịch vụ sinh viên tại Cao đẳng Cộng đồng Merced, kẻ lừa đảo đặc biệt nhắm vào các khóa học giúp tối đa hóa khả năng nhận trợ cấp. Các môn khoa học xã hội và lớp học online với lượng sinh viên lớn, nhiều tín chỉ thường là lựa chọn yêu thích. Trong học kỳ mùa xuân, Merced đã loại một nửa trong số 15.000 lượt đăng ký ban đầu do lừa đảo. Trong khoảng 7.500 lượt tiếp theo, 20% bị phát hiện ảo và loại bỏ, giải phóng chỗ cho sinh viên thật.

Cuộc đấu giữa tội phạm và trường đại học

Maurice Simpkins, Chủ tịch công ty công nghệ AMSimpkins & Associates, cho biết nhiều sinh viên tốt nghiệp bị đánh cắp danh tính và ghi danh lại tại trường đại học cũ của họ, hoặc ghi danh tại một cơ sở khác bằng địa chỉ email giáo dục cũ.

Kẻ lừa đảo cũng sử dụng email ngắn hạn và dùng một lần để đăng ký học trước khi lấy được địa chỉ email có đuôi "edu", giúp chúng đủ điều kiện nhận mức giảm giá dành cho sinh viên khi mua phần cứng, phần mềm, và có thể sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây của trường.

AP dẫn thống kê trong 18 tháng qua, các trường đã chặn hàng nghìn sinh viên ảo vì có cùng địa chỉ gửi thư, với hàng trăm email tương tự chỉ khác một chữ số, hoặc số điện thoại và địa chỉ email vừa được tạo ngay trước khi nộp đơn.

Michael Fink, Giám đốc công nghệ tại Cao đẳng Cộng đồng Chaffey, cho biết các cuộc tấn công có thể diễn ra trong vòng vài phút với quy mô lớn, thường vào buổi tối yên tĩnh. Bryce Pustos, Giám đốc hệ thống hành chính của trường, kể vào đầu kỳ tuyển sinh mùa thu năm ngoái, lúc các giảng viên đi ngủ, vẫn chưa có sinh viên nào đăng ký học. Tuy nhiên, khi họ thức dậy, lớp đã kín chỗ và có thêm danh sách chờ rất dài.

Laqwacia Simpkins, CEO công ty công nghệ giáo dục AM Simpkins & Associates, lưu ý kẻ lừa đảo thường chọn thời gian thực hiện chiêu trò như ngày lễ, đầu hoặc cuối kỳ, hạn chót ghi danh, ngày cao điểm - khi các nhân viên đang căng thẳng hoặc hệ thống được giám sát lỏng lẻo hơn.

Hậu quả

Mạng lưới tội phạm thu lợi lớn từ chiêu trò này. Theo Bộ Giáo dục Mỹ, khoảng 90 triệu USD hỗ trợ đang được phân bổ cho những sinh viên không đạt điều kiện, và khoảng 30 triệu USD được trao cho "người chết" - những người bị trộm danh tính để đăng ký học. Đầu tháng 6, cơ quan này thông báo phát hiện gần 150.000 danh tính đáng ngờ trong các mẫu đơn xin hỗ trợ sinh viên liên bang và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học xác nhận danh tính những trường hợp lần đầu nộp Đơn xin trợ cấp liên bang cho sinh viên miễn phí (FAFSA).

Tỷ lệ gian lận tài chính thông qua danh tính bị đánh cắp đã đạt đến mức đe dọa các chương trình hỗ trợ sinh viên liên bang. "Khi gian lận tràn lan, lấy đi hỗ trợ từ các sinh viên đủ điều kiện, làm gián đoạn hoạt động của trường đại học, và chiếm đoạt của người đóng thuế, chúng tôi có trách nhiệm hành động", Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Linda McMahon nói.

Ngày 13/6, Bộ Giáo dục Mỹ ra quy định tạm thời yêu cầu sinh viên xuất trình cho các trường đại học ID do chính phủ cấp để chứng minh danh tính, áp dụng cho trường hợp lần đầu nộp đơn xin hỗ trợ tài chính liên bang trong học kỳ hè. Cơ quan này đang phát triển biện pháp sàng lọc nâng cao hơn cho học kỳ mùa thu.

Jesse Gonzalez, Phó giám đốc dịch vụ IT tại Cụm Cao đẳng Cộng đồng Rancho Santiago, chia sẻ, các trường đại học đang lập rào cản, làm nhụt chí kẻ lừa đảo vì phải thực hiện nhiều quy trình hơn mới đạt được kết quả. Tuy nhiên, các trường cũng phải cân nhắc để có thể trao cơ hội cho sinh viên khó khăn hoặc không có giấy tờ. "Càng nhiều rào cản đặt ra, sinh viên càng bị ảnh hưởng, và thường là những sinh viên cần sự giúp đỡ nhất", ông nói.

AI được dự báo là yếu tố cốt lõi trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp 120-130 tỷ USD nhờ cải thiện năng suất và giúp tiết kiệm chi phí.

Thông tin được nêu trong báo cáo Nền kinh tế AI của Việt Nam, do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA và tập đoàn Boston Consulting Group (BCG) công bố sáng 12/6 tại Hà Nội.

Tại sự kiện, các chuyên gia đánh giá AI đang định hình lại các ngành và lĩnh vực "với tốc độ nhanh chưa từng có", đồng thời dần trở thành ưu tiên chiến lược của chính phủ cũng như các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Theo báo cáo của IDC, đến năm 2030, AI được dự đoán đóng góp 5 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế toàn cầu, chủ yếu từ việc tăng doanh thu và cắt giảm chi phí nhờ tự động hóa, ra quyết định dựa trên dữ liệu và nâng cao hiệu quả vận hành.

Tại Việt Nam, BCG ước tính đến năm 2040, AI sẽ trở thành yếu tố cốt lõi trong quá trình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, đóng góp từ 120 tỷ đến 130 tỷ USD. Trong đó, 45-55 tỷ USD được tạo ra thông qua nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ có ứng dụng AI, 60-75 tỷ USD là chi phí có thể tiết kiệm được do tăng năng suất thông qua tự động hóa, phân tích dự báo và cải thiện hiệu suất nhờ sử dụng công nghệ AI.

Tại lễ công bố báo cáo, Giám đốc NIC Vũ Quốc Huy nhấn mạnh vai trò của AI qua các con số thống kê, khẳng định "Việt Nam quyết tâm không chỉ tham gia, mà còn phải thiết lập một vị thế vững chắc trong lĩnh vực then chốt này", thông qua việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng với các quốc gia, nền kinh tế và các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Việc công bố báo cáo, theo ông Huy, nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế AI tại Việt Nam, các kinh nghiệm, bài học quốc tế để phát triển AI và phân tích cơ hội trong những ngành kinh tế trọng điểm, đề xuất các trụ cột phát triển nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách mới của Việt Nam.

Ông Kubo Yoshitomo, Trưởng đại diện cấp cao của JICA Việt Nam, cho rằng các báo cáo, và khuyến nghị chiến lược có thể là thông tin giá trị để các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, học viện và nhà đầu tư hợp tác hiệu quả trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi do AI thúc đẩy của Việt Nam.

Theo đánh giá của các nhà phân tích, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong ứng dụng AI, song việc triển khai công nghệ này trong chính phủ và dịch vụ công vẫn ở giai đoạn sơ khai.

"Đa số giải pháp và ứng dụng AI vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và thường chỉ được triển khai tại một số tỉnh hoặc cơ quan nhà nước", báo cáo nêu. "Việc nhân rộng toàn quốc gặp nhiều thử thách, bao gồm nhu cầu về mô hình tài chính bền vững, tăng cường hợp tác liên ngành và giữa các vùng để nâng cao hiểu biết về cơ hội cũng như các tình huống ứng dụng (use case) khả thi và cải thiện khả năng tiếp cận giải pháp AI có tính ứng dụng rõ ràng và hiệu quả kinh tế cao".

Ở phía doanh nghiệp, khảo sát cũng cho thấy họ đang phải đối mặt với những thách thức về cấu trúc trong việc mở rộng ứng dụng AI, trong đó có lo ngại về hiệu quả chi phí, năng lực và hiểu biết về AI của lực lượng lao động, thiếu khả năng tiếp cận các bộ dữ liệu chất lượng cao.

Bù lại, Việt Nam được đánh giá có đội ngũ nhân tài trong lĩnh vực AI đang tăng mạnh nhờ giáo dục. Nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam dự kiến tăng 9% từ năm 2022 lên đến 530.000 chuyên gia vào 2026. Khoảng 10 trường đại học đã bắt đầu triển khai các chương trình đào tạo cử nhân ngành AI, với quy mô 1.700 sinh viên mỗi năm.

Đánh giá Việt Nam đang ở giai đoạn then chốt trong tiến trình phát triển AI, các nhà phân tích khuyến nghị Việt Nam cần có những hành động quyết liệt để đạt được con số 130 tỷ USD. Đầu tiên, cần triển khai ưu tiên theo lĩnh vực có các use case AI có tác động cao trong khu vực công và tư nhân, được hỗ trợ bởi các kênh truyền thông hiệu quả cùng mô hình hợp tác công - tư tạo điều kiện thuận lợi. Thứ hai, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp AI bền vững thông qua các chương trình tăng tốc khởi nghiệp có cấu trúc rõ ràng và quỹ đổi mới sáng tạo quốc gia về AI. Thứ ba, thiết lập cơ chế nghiên cứu hợp tác bền vững, đi đôi với chương trình đào tạo AI được hiện đại hóa và các chương trình chuyên sâu nhằm nâng cao năng lực AI cho nhân tài trong lĩnh vực này cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Việt Nam cũng được khuyến nghị tập trung vào ba việc mang tính hỗ trợ, gồm: Phổ cập kiến thức AI quy mô mở rộng với nội dung được tùy chỉnh theo từng nhóm đối tượng; Xây dựng dữ liệu AI cụ thể theo lĩnh vực, dễ tiếp cận qua các nền tảng dữ liệu mở kết hợp với hợp tác quốc tế chặt chẽ và các chính sách ưu đãi hấp dẫn nhằm thu hút vốn đầu tư vào hạ tầng; Khung an toàn và quản trị AI được xác lập rõ ràng, có cơ chế điều chỉnh linh hoạt dành riêng cho AI, chẳng hạn như sandbox.

Tại sự kiện, ông Vũ Quốc Huy cho biết NIC sẽ cùng JICA DXLab triển khai Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp AI tại Việt Nam, nhằm hỗ trợ các startup giai đoạn đầu nâng cao năng lực, tiếp cận thị trường, thu hút đầu tư và từng bước xây dựng nội lực cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực AI tại Việt Nam.

"Với nguồn nhân lực trẻ, năng động, am hiểu công nghệ và khát khao đổi mới, sáng tạo, Việt Nam đã sẵn sàng cho hành trình trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và toàn cầu", ông Huy nói.

Lãnh đạo bộ phận kiểm duyệt nội dung tại ByteDance rời công ty giữa bối cảnh yêu cầu kiểm duyệt tại Trung Quốc ngày càng nghiêm ngặt.

Li Tong, người đứng đầu bộ phận kiểm soát chất lượng nội dung của Douyin, phiên bản Trung Quốc của TikTok, đã không còn xuất hiện trong hệ thống nhân sự của công ty mẹ ByteDance, theo nguồn tin của SCMP.

Ông Tong từng là lãnh đạo cấp cao phụ trách kiểm duyệt nội dung và gán nhãn dữ liệu cho các ứng dụng tại Trung Quốc của ByteDance. Li Tong rời đi trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng đặt ra các yêu cầu kiểm duyệt chặt chẽ với mạng xã hội.

Li Tong từng lãnh đạo nhóm Chất lượng nội dung và dịch vụ dữ liệu (CQC) thuộc Douyin Group. Đây là một trong những đơn vị kinh doanh cốt lõi của ByteDance phụ trách nhiều sản phẩm chủ lực như nền tảng video ngắn Douyin và ứng dụng tổng hợp tin tức Jinri Toutiao, phiên bản Trung Quốc của Reddit.

Một nhân viên giấu tên cho biết Li là một nhân sự "cấp rất cao" và đã gắn bó với ByteDance nhiều năm.

Được thành lập vào năm 2017, CQC chịu trách nhiệm giám sát chất lượng nội dung và trải nghiệm người dùng trên hơn 10 ứng dụng. Theo báo chí Trung Quốc, vai trò của nhóm này là cần thiết vì một số nội dung cực kỳ nhạy cảm không thể được phát hiện bằng máy móc. Trong khi đó, ở Trung Quốc, các nền tảng mạng xã hội có nghĩa vụ kiểm duyệt các nội dung bị xem là bất hợp pháp.

Vào tháng 5, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) tuyên bố sẽ tiếp tục quản lý cách các nền tảng trực tuyến đề xuất và kiểm soát nội dung, một sáng kiến đã bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái. Một trong những mục tiêu chính là giảm bớt nội dung “thô tục”.

Ngoài ra, mảng gán nhãn dữ liệu cũng là then chốt với ByteDance. Chủ tịch Douyin Han Shangyou từng cho biết hồi tháng 3 rằng hệ thống đề xuất nội dung của nền tảng video ngắn này không phụ thuộc vào các phương pháp gán nhãn nội dung theo cách truyền thống.

Tháng 3 vừa qua, truyền thông địa phương đưa tin nhóm CQC đã tìm kiếm các nhà cung cấp bên thứ ba để hỗ trợ gán nhãn dữ liệu phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo, đặc biệt trong các lĩnh vực như y tế, pháp luật và giáo dục. Động thái này cho thấy vai trò ngày càng mở rộng của bộ phận này trong việc gán nhãn dữ liệu, bên cạnh nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung.

Thành phố Đà Nẵng đang từng bước định hình vai trò kiến tạo để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững tại Việt Nam cũng như tại khu vực, trong đó có cả lĩnh vực blockchain, tài sản số.

Khi những trung tâm tài chính truyền thống tại châu Á đang bước vào giai đoạn chuyển mình hoặc đối diện với áp lực tái cấu trúc thì ở Việt Nam, Đà Nẵng đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn và đầy tiềm năng. Thành phố này được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và là trung tâm tài chính mới với nhiều cơ chế thí điểm, chính sách ưu đãi vượt trội, mang tính đặc thù.

Ngày 7/6 , Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng (DSA) và Binance đã đồng tổ chức Hội nghị Danang Fintech: Unlocking the Future of Digital Assets để cùng nhau thảo luận về những xu hướng quan trọng của tài sản số như token hóa, blockchain, khung pháp lý và vấn đề an ninh nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài sản số an toàn, minh bạch và phát triển bền vững.

"Thời điểm chín muồi" trở thành trung tâm tài chính mới trong khu vực

Ông Lê Hoàng Phúc - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo tại Đà Nẵng cho hay mô hình trung tâm tài chính quốc tế mà Đà Nẵng hướng tới sẽ tập trung vào ba yếu tố cốt lõi: tài chính xanh, tài chính hỗ trợ thương mại xuyên biên giới, tài chính công nghệ (fintech).

Thành phố đang sở hữu một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang phát triển nhanh chóng, với hơn 6.000 nhân lực chất lượng cao hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ cao, AI, blockchain, bán dẫn,... Đây chính là nền tảng để phát triển các dịch vụ tài chính kỹ thuật số, ví dụ như ngân hàng số, giao dịch phi tập trung, dịch vụ tài chính phi truyền thống (DeFi), hay các mô hình tài chính mở (open finance)."Một trung tâm tài chính không chỉ cần dòng vốn hay định chế tài chính. Nó cần một hệ sinh thái tổng thể, gồm con người, công nghệ, hạ tầng và chính sách. Đà Nẵng hiện đang hội tụ đủ các yếu tố đó," ông Phúc khẳng định.

Về hạ tầng, thành phố đã đầu tư mạnh mẽ vào cả hạ tầng giao thông, kỹ thuật và công nghệ. Cảng biển nước sâu Tiên Sa, sân bay quốc tế, hệ thống logistics kết nối nội địa và quốc tế, cộng với hạ tầng số ngày càng được cải thiện tất cả giúp Đà Nẵng sẵn sàng đón dòng vốn toàn cầu.

Về nhân lực, mỗi năm Đà Nẵng có hơn 25.000 sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, trong đó có hàng ngàn sinh viên chuyên ngành công nghệ cao. Đây là nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo bài bản, có khả năng thích ứng nhanh với các xu hướng công nghệ mới từ dữ liệu lớn, AI đến blockchain là nền tảng để phát triển một trung tâm tài chính mang bản sắc công nghệ.

Về chính sách, Đà Nẵng là một trong những địa phương được Trung ương "chọn mặt gửi vàng" trao quyền thí điểm các chính sách đặc thù, vượt trội về thuế, đất đai, ưu đãi đầu tư… nhằm thu hút dòng vốn chất lượng cao và các tập đoàn công nghệ tài chính toàn cầu.

Không thể không nhắc đến yếu tố con người. Theo ông Phúc, đội ngũ lãnh đạo của Đà Nẵng hiện nay có tầm nhìn, quyết tâm và năng lực hành động phù hợp với đòi hỏi của giai đoạn mới. Theo ông Phúc, đây là 'thời điểm chín muồi' để giúp biến các 'kế hoạch trên giấy' thành hiện thực.

Đà Nẵng nhiều năm liền được mệnh danh là thành phố "đáng sống" nhất Việt Nam. Nhưng với sự chuyển mình về chiến lược phát triển, nơi đây còn đang trở thành "thành phố đáng đầu tư" đặc biệt trong lĩnh vực tài chính công nghệ.

Các startup trong lĩnh vực fintech, blockchain, ngân hàng số hay AI tài chính đang tìm đến Đà Nẵng như một mảnh đất mới nơi không chỉ có hạ tầng tốt, nhân lực trẻ, mà còn có tinh thần cởi mở, hỗ trợ đổi mới sáng tạo từ chính quyền.

Ông Lê Hoàng Phúc cũng nhấn mạnh: "Kỳ tích sông Hàn Đà Nẵng sẽ khởi nguồn cảm hứng cho sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế và các Sandbox phù hợp chuẩn mực quốc tế để tài sản số phát triển bền vững."

Tại Hội nghị, ông Lê Sơn Phong - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Đà Nẵng cho biết thành phố đang từng bước định hình vai trò kiến tạo để hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững, trong đó có cả lĩnh vực blockchain, tài sản số. Với lợi thế về cơ chế, nguồn lực và hệ sinh thái rộng mở, thành phố sẽ triển khai cơ chế Sandbox (Thử nghiệm có kiểm soát) cho các sáng kiến công nghệ đột phá, đi đôi với việc thí điểm các mô hình chính sách linh hoạt, phù hợp với thực tiễn đổi mới.

Ông Phong nhấn mạnh, công nghệ không thể phát triển trong môi trường thiếu niềm tin, thiếu thể chế phù hợp và thiếu động lực đổi mới. Thành phố cam kết sẽ đồng hành với cộng đồng, doanh nghiệp, nhà đầu tư để thiết kế một không gian chính sách cởi mở, thuận lợi cho phát triển.

Trong khi đó, ông Võ Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Đà Nẵng, một trong những văn bản nền móng cho cơ hội phát triển tài sản số Việt Nam là “Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến 2025, định hướng đến 2030” được chính phủ ban hành vào tháng 10/2024. Cùng dự thảo luật về công nghệ số, tài sản số đang được thảo luận sẽ mở ra hành lang pháp lý, quản lý ứng xử với tài sản số.

Ông Đức Anh cho biết, Nghị quyết 136 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng cũng cho phép thành phố được vận hành cơ chế Sandbox cho những lĩnh vực công nghệ mới, trong đó có blockchain và tài sản số. Đây được xem là những tiền đề quan trọng để Đà Nẵng có thể trở thành trung tâm tài sản số, không chỉ của Việt Nam mà còn mang quy mô quốc tế.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, bà Lynn Hoàng - Giám đốc Quốc gia Binance nhận định: "Điểm cộng đầu tiên là Việt Nam đã quyết định sẽ thí điểm về tài sản số. Đây là tiền đề quan trọng cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng để song hành cùng thế giới trong lĩnh vực mới mẻ và giàu tiềm năng này. Tuy nhiên từ dự thảo đến khi ra được những văn bản pháp lý cụ thể vẫn còn một quãng đường dài. Nếu khung pháp lý kiến tạo, Việt Nam sẽ giành được nhiều lợi thế quan trọng. Ngược lại, chúng ta có thể đánh mất cơ hội. Hy vọng chính sách chúng ta sẽ không khác biệt quá nhiều với thế giới và kiến tạo sự phát triển của toàn ngành trong khi vẫn đảm bảo an toàn về quản lý."

Từ nghiên cứu thực tế, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bình Nguyễn của Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng việc ban hành một khung pháp lý rõ ràng cho tài sản số là thách thức rất lớn, không chỉ với Việt Nam mà ngay cả các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Thụy Điển vẫn đang tìm cách để cân bằng giữa phát triển và rủi ro dành cho doanh nghiệp.

“Với Việt Nam, chúng ta không thể kiểm soát được ngay toàn bộ mà phải chọn ra những lĩnh vực quan trọng nhất để nghiên cứu và ban hành luật, sau đó mở rộng ra toàn ngành," Tiến sĩ Bình nhận định. Theo ông, Việt Nam có thể ưu tiên khung pháp lý cho việc mua - bán tài sản số, tiếp đến là phân biệt rõ ràng các loại tài sản, tránh rủi ro xảy ra.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất trong việc ban hành một khung pháp lý phù hợp cho tài sản số là khu vực, quốc gia phải tùy vào điều kiện thực tế để cân bằng các yếu tố về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; luật hóa cần hài hòa với thông lệ thế giới; kích thích người dùng tham gia; đặc biệt các công ty trong nước không bị “bỏ rơi”.

Trong khi đó, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Những tiêu chuẩn quốc tế về KYC (xác minh danh tính người dùng), AML (chống rửa tiền) là không thể bỏ qua.

Đại diện Binance cho rằng để Đà Nẵng thu hút thêm nguồn vốn quốc tế, cơ quan chức năng nên đi cùng doanh nghiệp khi đưa ra hành lang pháp lý. Đà Nẵng có thể nghiên cứu và học tập mô hình của UAE về quản lý tài sản số. Chỉ trong vòng 1 năm từ 2022 đến 2023, UAE đã thu hút thêm hàng tỷ USD. Đến nay số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này để về Dubai ngày càng nhiều.

"So với Dubai, thành phố Đà Nẵng đáng sống hơn rất nhiều với thiên nhiên ưu đãi, nếu có những chính sách kiến tạo, trái tim của miền Trung có thể trở thành thủ phủ mới của tài sản số trong cả khu vực chứ không riêng Việt Nam," bà Lynn Hoàng - Giám đốc Quốc gia Binance nhận định./.

Thay vì chờ tòa án buộc phải chia tách, một số chuyên gia cho rằng Google nên chủ động tự cắt nhỏ chính mình.

Trong vòng một năm qua, Google đã thua hai vụ kiện chống độc quyền quan trọng tại Mỹ. Công ty chịu áp lực từ các cơ quan pháp lý, cổ phiếu đình trệ và doanh thu từ mảng tìm kiếm bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo.

Trước tình hình này, giới chức Mỹ đang muốn Google bán đi các bộ phận như trình duyệt Chrome, mạng quảng cáo và có thể cả hệ điều hành Android. Tuy nhiên, thay vì phản kháng đến cùng, một số chuyên gia cho rằng công ty nên chủ động tách mình ra thành nhiều đơn vị độc lập.

Nếu xảy ra, đây sẽ là “nước cờ quyền lực” đậm chất Thung lũng Silicon", tự làm điều mà chính quyền sắp làm với bạn. Nó có thể giúp Google lấy lại hình ảnh từng gắn với khẩu hiệu "Đừng làm điều xấu".

Con tàu khổng lồ có nên tách nhỏ?

Gil Luria - chuyên gia phân tích tại D.A. Davidson & Company - tin rằng Google đã trở thành một tổ chức quá phức tạp, giống như một tập hợp rời rạc của nhiều mảng kinh doanh không liên quan nhau: từ taxi tự lái Waymo, YouTube, dịch vụ lưu trữ đám mây đến công cụ tìm kiếm và quảng cáo.

Trong ghi chú gửi nhà đầu tư, ông Luria cho rằng giá trị thực sự của Google nếu chia nhỏ có thể lên đến 3.700 tỷ USD - gần gấp đôi mức định giá thị trường hiện nay. Riêng Waymo, nếu niêm yết riêng, có thể được định giá tương đương Tesla trong lĩnh vực taxi tự hành. YouTube được so sánh sòng phẳng với Netflix, công ty đang được giới đầu tư đánh giá cao.

Theo Luria, nếu để từng công ty con tự phát triển, các kỹ sư tại Google có thể tạo ra những điều đột phá như chính công cụ tìm kiếm ban đầu từng làm được vào cuối thập niên 1990.

Ý tưởng chia tách Google không chỉ hướng đến lợi ích tài chính. Các chuyên gia tin rằng điều này sẽ khơi dậy cạnh tranh thực sự, giúp khách hàng có giá quảng cáo thấp hơn, nhân viên có môi trường phát triển đa dạng hơn, và ngành công nghệ sẽ có nhiều “người chơi” hơn với tư duy đổi mới.

Barry Barnett, Luật sư chuyên về chống độc quyền, cho rằng những người duy nhất thiệt hại từ việc chia tách là những người đang hưởng lợi từ vị thế độc quyền. Hiện Google trả cho Apple khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari.

“Giám đốc Google có thể giảm lương. Các startup sẽ ít bị Google thâu tóm hơn. Và đối thủ như Apple có thể không còn nhận khoản chia sẻ doanh thu khổng lồ từ Google nữa”, ông nói.

Adam Kovacevich - CEO nhóm vận động hành lang Chamber of Progress - không đồng tình với việc chia nhỏ Google. Ông ví đây như một du thuyền khổng lồ đang cạnh tranh với những “tàu mẹ” khác như Apple, Meta hay Amazon. Ông nói: “Chia nhỏ thành bốn chiếc du thuyền nhỏ hơn thì được gì? Có những cơ hội chỉ những con tàu lớn mới theo đuổi nổi, như AI”.

Về phần mình, Google từ chối bình luận trực tiếp về đề xuất của Luria, nhưng vẫn bảo vệ quan điểm rằng việc buộc công ty bán Chrome hay Android sẽ làm tổn hại đến hàng triệu người dùng và cả hệ sinh thái phụ thuộc.

Có tiền lệ nhưng không nhiều người dám làm

Lịch sử từng ghi nhận một số công ty tự nguyện chia tách khi áp lực pháp lý tăng cao. AT&T từng làm điều đó vào đầu thập niên 1980 để né tránh án phạt nặng. Hơn 40 năm sau, viễn cảnh tương tự có thể xảy ra với Google. Nhưng khác với thời AT&T, giờ đây các nhà sáng lập như Larry Page và Sergey Brin vẫn nắm quyền kiểm soát đáng kể trong cấu trúc cổ phần và không dễ để thuyết phục họ tự "ra dao".

Dù vậy, Kovacevich - người từng làm chính sách công cho Google - cho rằng không nên loại trừ khả năng này. “Larry và Sergey rất thích những quyết định táo bạo và không theo lối mòn”, ông nói.

Lịch sử cho thấy nếu chỉ chăm chăm vào kiện tụng, bạn sẽ tụt lại. Microsoft từng chiến đấu tới cùng trong vụ kiện độc quyền đầu thập niên 2000 - và dù thắng phần nào, công ty mất gần một thập kỷ để lấy lại đà tăng trưởng, bỏ lỡ cơ hội với điện toán đám mây và di động.

Google hôm nay có thể đang đi lại con đường đó. Và câu hỏi không chỉ là: "Google sẽ bị chia tách?" mà còn là: "Liệu họ có dám tự chia tách mình để sống sót và phát triển?".

Dù card đồ họa cháy hàng trên toàn cầu, Nvidia nhiều khả năng phải hủy bỏ toàn bộ lô hàng H20, dòng chip được tinh chỉnh để bán tại Trung Quốc.

Báo cáo doanh thu quý kỷ lục của Nvidia đi kèm với một tin tức tiêu cực: Một khoản lỗ trị giá 4,5 tỷ USD, do hãng không được bàn giao số chip được tinh chỉnh nhằm tuân thủ các hạn chế hiện hành của Mỹ để bán tại Trung Quốc.

Trước đó, chính quyền Trump hồi tháng 4 đã ra thông báo sẽ áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với việc bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) của Nvidia cho Trung Quốc. Gã khổng lồ card đồ họa này sẽ phải có giấy phép cho các giao dịch trong tương lai, ngay cả đối với những con chip đã được điều chỉnh.

Đây cũng là hạn chế lớn đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Trump áp đặt lên những thương vụ bán chất bán dẫn ra nước ngoài.

"Bốc hơi" 4,5 tỷ USD

Nvidia đã nỗ lực rất nhiều để duy trì doanh số bán hàng cho Trung Quốc bất chấp các hạn chế ngày càng tăng từ chính phủ Mỹ. Năm 2022, chính quyền Biden đã đưa ra các quy tắc nhằm hạn chế xuất khẩu các chip AI tốt nhất của Nvidia sang Trung Quốc.

Để "lách luật", Nvidia sửa đổi một trong những chip AI hàng đầu của hãng là H100 để hiệu năng nằm dưới ngưỡng quy định của chính phủ Mỹ. Kết quả là chip H20 ra đời như một sản phẩm dành riêng cho thị trường Trung Quốc.

Theo Jimmy Goodrich, cố vấn cao cấp của RAND, mặc dù năng lực tính toán bị giới hạn ở khâu đào tạo AI, H20 "có lẽ là chip tốt nhất thế giới cho khâu suy luận".

Tuy nhiên, do thiết kế và khả năng hạn chế của con chip này, việc sử dụng nó ở các quốc gia khác có thể gặp khó khăn. "Nó không thực sự phù hợp với bất kỳ nơi nào khác mà không cần nhiều chỉnh sửa tốn kém", Arash Azadegan, giáo sư quản lý chuỗi cung ứng tại Trường Kinh doanh Rutgers cho biết.

Chad Autry, giáo sư chuỗi cung ứng của Đại học Tennessee nhận định việc tiếp tục chỉnh sửa H20 cũng không khả thi do có thể kéo theo các chi phí phát sinh cho Nvidia. Hơn nữa, một số chip có thể "không đáp ứng nhu cầu hiệu suất của khách hàng ở các khu vực khác" hoặc có thể được thiết kế "đặc biệt theo yêu cầu của riêng khách hàng Trung Quốc".

Ngay cả khi bằng mọi giá để bán các con chip bằng cách giảm giá, Nvidia sẽ mạo hiểm làm hỏng hình ảnh của mình với tư cách là nhà cung cấp sự đổi mới hàng đầu.

Nên nhớ, GPU Blackwell mới nhất của Nvidia đang đóng vai trò nền tảng cho những AI tiên tiến như mô hình GPT-5 chưa được phát hành của OpenAI.

"Nvidia có lẽ không muốn thị trường tràn ngập các con chip giảm giá. Điều đó có thể làm rối loạn phân khúc sản phẩm của họ, gây nhầm lẫn cho khách hàng và làm phân tâm khỏi việc tập trung vào dòng Blackwell mới hơn", ông Azadegan nhận xét.

Tương lai nào cho số chip thừa?

Fortune dẫn lời các chuyên gia chuỗi cung ứng được phỏng vấn nghi ngờ số lô chip H20 này sẽ bị loại bỏ. "Với rất nhiều cơ hội tăng trưởng khác, chi phí cơ hội để tái sử dụng, kiểm tra và cấp chứng nhận lại cho những con chip này rõ ràng là quá cao", Alan Amling, giáo sư chuỗi cung ứng tại Đại học Kinh doanh Haslam cho biết.

Thực tế, việc chấp nhận hủy lô chip H20 sẽ chỉ có tác động tối thiểu đến hoạt động kinh doanh đang bùng nổ của Nvidia trong ngắn hạn. Trong báo cáo doanh thu quý I/2025, gã khổng lồ card đồ họa này ghi nhận đạt 44,1 tỷ USD (tăng 69% so với cùng kỳ năm trước) và 18,8 tỷ USD lợi nhuận ròng. Con số này đại diện cho biên lợi nhuận ròng khỏe mạnh lên tới 42,6%.

Bên cạnh đó, việc ghi nhận giảm toàn bộ giá trị của chip mang lại lợi ích thuế ngay lập tức bằng cách giảm thu nhập chịu thuế cho Nvidia. Theo Fortune, tùy thuộc vào triển vọng bán hàng và chi phí trong tương lai của hãng, lợi ích này có thể vượt trội hoặc gần bằng lợi ích tài chính của việc bán chip với mức chiết khấu lớn.

Các quy tắc mới nhất dành cho Nvidia là dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận thắt chặt đối với sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Sự trỗi dậy của DeepSeek vào tháng 1 cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng của nước này trong AI, lĩnh vực được coi là một chiến trường địa chính trị quan trọng trong dài hạn.

Tại phiên điều trần ứng viên diễn ra tháng 1, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick khẳng định chip Nvidia góp phần cho sự phát triển của DeepSeek, và những động thái như vậy từ phía Mỹ cần chấm dứt.

“Nếu họ muốn cạnh tranh với chúng ta, cứ để họ cạnh tranh nhưng hãy ngừng sử dụng công cụ của chúng ta để cạnh tranh. Tôi sẽ rất cứng rắn về vấn đề này”, Lutnick nhấn mạnh.

Theo New York Times, trong trường hợp phải rút khỏi thị trường này, gã khổng lồ card đồ họa lo ngại sẽ mất doanh số vào tay Huawei, nhà sản xuất chip AI hàng đầu của Trung Quốc. Thậm chí, Huawei đã bắt đầu đặt ra những thách thức cho Nvidia về chip AI trên toàn thế giới.

"Điều này giết chết khả năng tiếp cận một thị trường quan trọng của Nvidia và họ sẽ mất đà tại quốc gia này. Các công ty Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là chuyển sang Huawei", nhà phân tích Patrick Moorhead từ Moor Insights & Strategy cho biết.